Nhân duyên vợ chồng tu nghìn năm khó được
Dân gian có câu “Tu trăm năm mới ngồi chung chuyến thuyền, tu ngàn năm mới cùng chung chăn gối”. Đây có nghĩa là chỉ cần ngồi chung trên một chuyến thuyền thì đã là có duyên rất lớn với nhau rồi, nếu mà có thể kết thành vợ chồng thì giữa hai người thực phải có mối duyên vô cùng sâu đậm. Nói cách khác, trong các mối duyên phận, quan hệ vợ chồng là mối duyên sâu đậm nhất, chỉ là trong những mối duyên này cũng có thiện duyên và ác duyên. Có thể khái quát duyên vợ chồng được chia làm ba loại:
Nhân duyên người này có ơn với người kia:
Nếu như có hai người trong quá trình gặp gỡ nhau, người này có ơn với người kia mà còn khiến người đó vô cùng cảm động, người mang ơn này có lòng muốn báo ơn, đến một kiếp nào đó nhân duyên hội tụ đủ họ cũng mang thân hình một người nam một người nữ thì họ sẽ vì cái thiện duyên trong quá khứ mà kết thành vợ chồng.
Lấy một ví dụ, khi bạn đuối nước nhưng không có ai nguyện ý cứu bạn, bỗng có một người quên thân đến cứu bạn, chẳng cần biết có cứu sống hay không, bạn vẫn rất cảm ơn anh. Vì muốn đền đáp ơn cứu mạng, bạn nguyện vào kiếp sau sẵn lòng làm thân trâu ngựa báo đáp. Đây được gọi là duyên vợ chồng vì báo ơn mà thành.
Trong các loại duyên vợ chồng, duyên vợ chồng vì báo ơn mà thành này có thể hạnh phúc mỹ mãn nhất, bởi vì trong tiềm thức của một người luôn tồn tại ý niệm dâng hiến một cách không oán trách không ân hận, vì vậy cả hai bên đều có thể chung hưởng hạnh phúc. Tuy vậy, không thể bảo đảm là họ không cãi nhau hoặc không ly hôn, nếu cá tính không hợp nhau thì vẫn sẽ có thể phát sinh mâu thuẫn khi sống chung.
Duyên mà người này thiếu nợ người kia (người này đến để đòi nợ người kia):
Duyên này tức là có một bên đến đòi bên còn lại món nợ từ kiếp trước. Rốt cuộc là món nợ gì?
Có thể chia làm hai loại nợ: một là nợ tiền bạc, hai là nợ tình cảm, có thể còn có những món nợ khác nhưng đây là hai loại chủ yếu.
Lấy ví dụ nếu kiếp trước bạn là một chàng trai, vì để thỏa mãn dục tính mà lừa gạt tình cảm của một cô gái khiến cô ấy yêu bạn, sau khi dục vọng được thỏa mãn bạn liền bỏ rơi cô ta. Mà cô gái bị bạn bỏ rơi này tâm không cam lòng, nếu là như vậy thì bạn trong kiếp sau sẽ còn gặp lại cô gái này, lúc đó cô gái sẽ tóm lấy bạn không để bạn chạy thoát nữa. Loại nhân duyên này gọi là duyên vợ chồng vì nợ tình cảm mà thành.
Thêm một ví dụ nữa, nam nữ trong quá trình kết giao, con trai trong mọi trường hợp đều phải chi trả các khoản tiền. Nếu cô gái chỉ tham lam hưởng thụ mà không thành tâm muốn kết giao, sau khi hưởng thụ được nhiều vật chất bèn rời xa, trong tình huống này người con trai rất không cam tâm. Cô gái kiếp sau sẽ còn gặp người chàng trai mà kết thành vợ chồng, bao nhiêu tiền bạc của cô đều bị anh ta tiêu hết, hoặc cuối cùng cũng đều thuộc về anh ta. Duyên này gọi là duyên vợ chồng vì nợ tiền tài mà kết thành. Dù là vì ác duyên mà kết thành vợ chồng, nhưng chỉ cần trong quá trình sống chung tại kiếp này cả hai người có thể làm việc chăm chỉ, không so đo với nhau khi ở chung, thì vẫn có cơ hội chung sống hạnh phúc.
Nhân duyên thiếu nợ lẫn nhau:
Duyên này là cả hai người thiếu nợ lẫn nhau, tức là nợ qua nợ lại, đa phần là nợ tiền tài và tình cảm, tuy nhiễn cũng có thể nợ nhiều thứ khác nữa. Nói cách khác, trong quá khứ đôi bên đã nợ nần nhau, họ kiếp này gặp lại kết thành vợ chồng, đúng lúc hợp thời để trả nợ cho nhau.
Có thể nói rằng vợ chồng kết thành chính là để cân bằng nhân quả. Quả báo luôn đến để cân bằng lại những bất công. Thế nên khi các bạn nên duyên vợ chồng với nhau hãy nên chung sống quý trọng lẫn nhau, không nên báo oán lẫn nhau, đừng oán trời giận người kẻo nợ nần sẽ phải trả mãi không hết, hơn thế còn mắc nợ thêm nặng hơn. Trong nhân duyên này cả hai bên đều muốn đòi nợ lẫn nhau nên khó tránh khỏi tranh chấp, tính toán. Nhưng cả hai chỉ cần thay đổi cách nghĩ, đối xử với đối phương bằng tấm lòng cam tâm tình nguyện thì nợ nần cũng mau chóng mà trả hết.
Trên đây là các nhân tố kết thành duyên vợ chồng. Duyên vợ chồng dù là thiện duyên hay ác duyên cũng không thể chắc chắn là có hạnh phúc hay không. Nhưng nếu hai bên phù hợp ba điều kiện dưới đây, bất kể là duyên gì cũng có thể làm vợ chồng hạnh phúc. Khi bạn chọn người phối ngẫu, ba nhân tố này là rất quan trọng:
Một, hai bên cá tính tương hợp dung hòa.
Hai, hai bên đều kính trọng lẫn nhau.
Ba, hai bên đều là người có trách nhiệm.
Nói cách khác, điều kiện bên ngoài, vinh hoa phú quý không phải là tiêu chí hạnh phúc hay không.
Làm sao để biết duyên vợ chồng đã kết thúc hay chưa?
Khi chung sống tại kiếp này, vợ chồng phát sinh việc cãi nhau là chuyện bình thường, sau khi tranh luôn có một người muốn ly hôn, nhưng người kia lại không chịu, có nghĩa là khoản nợ lẫn nhau vẫn còn chưa hết, mối duyên vợ chồng này còn chưa kết thúc được.
Còn nếu như trong quá trình chung sống, tình cảm vợ chồng nhạt nhẽo, chẳng ai lưu luyến ai. Có nghĩa là ơn nợ giữa hai vợ chồng đều đã trả hết, vì vậy hai bên sống chung giống như bạn bè, chẳng ai còn lưu luyến ai nữa.
Việc chia tay chính là biểu hiện rõ nhất chuyện duyên vợ chồng đã kết thúc. Bất kể việc chia tay này là tử vong, đi xa, xuất gia, hay ly hôn.
Nếu như lúc chia tay hai bên đều khó xa rời, khóc nức nở, thì ơn vợ chồng còn chưa trả hết, duyên vợ chồng vẫn còn.
Còn khi chia tay, vẫn còn tồn tại sự bất mãn hoặc không cam lòng, tức là “khoản nợ” giữa các bạn vẫn còn chưa trả hết, kiếp sau gặp lại vẫn sẽ tiếp tục kết làm vợ chồng.
Khi chia tay, cả hai giống như bạn bè, không oán hận, có thể có một chút buồn hay không thoải mái, nhưng không đủ để còn có thể lưu luyến, điều này có nghĩa là ơn nợ giữa hai vợ cuối cùng có thể kết thúc rồi.
Vợ chồng có phải là nghiệp chướng không?
Trong Phật giáo có nói, kết hôn là nghiệp chướng, điều này chủ yếu là đối với việc tu hành giải thoát. Bởi trong quá khứ có nhiều ân oán tình thù mà đời này kết thành duyên vợ chồng, trước khi những ân oán tình thù này kết thúc hai bên vẫn phải có mối quan hệ tương tác lẫn nhau tạo thành nhiều trở ngại trên con đường tu hành. Nếu bạn muốn nhanh chấm dứt duyên vợ chồng này, cả hai bên đều phải dùng lý trí để cải thiện quan hệ đôi bên. Lấy lợi ích của đối phương làm tiền đề để giải quyết sự tình thì những ràng buộc lẫn nhau có thể tránh khỏi được.
Ngoài ra, nếu như duyên vợ chồng còn chưa kết thúc, mà bạn muốn tu hành, thì bạn có thể tận dụng khoản thời gian chung sống vợ chồng để hiểu rõ nhân tính. Trong chuyện nhân duyên vợ chồng này có nhiều điều trí huệ mà bạn cuộc phải biết. mà những vấn đề nhân tính này ở góc độ khách quan khó mà học được. Nam và nữ đều có ưu khuyết điểm, việc chung sống vợ chồng cũng chính là cơ hội để bạn học tập ưu điểm của người kia, đây cũng là điều mà ở góc độ khách quan rất khó mà học được. Đặc thù giữa nam nữ khác nhau rất lớn, ví dụ như mưu cầu dục vọng và giá trị quan khác nhau, sở thích hoặc nhu cầu tâm lý cũng khác nhau …những điều này đều đang đợi bạn tìm hiểu rồi làm cho người còn lại cũng hiểu được, nếu làm được như thế thì đây cũng là tu hành rồi.
Duyên vợ chồng mặc dù là tảng đá cản đường, nhưng nếu bạn có thể tận dụng tốt việc này để tìm hiểu nhân tính, điều này có thể giúp bạn khai mở trí tuệ.
Câu chuyện về mối nhân duyên vợ chồng giữa Phật Thích Ca và Công chúa Da-du-đà-la.
Trong kinh Nhân Quả có chép rằng: Sau khi đức Phổ Quang Như Lai thành Phật, có một vị tiên nhân tên là Thiện Huệ, một hôm bỗng nhiên nằm mộng có năm điều kỳ lạ: 1- Thấy thân mình nằm trên biển lớn; 2- Thấy gối đầu ở núi Tu Di; 3- Thấy tất cả chúng sinh đều nhập vào thân mình; 4- Thấy tay mình nâng mặt trời lên; 5- Thấy tay mình nâng mặt trăng lên. Thiện Huệ tiên nhơn tỉnh mộng và rất là kinh ngạc, trong lòng nghĩ thầm rằng: “Hôm nay mộng thấy điềm này, không phải là chuyện nhỏ, nhất định xuất hiện việc lớn kỳ diệu ở trong đời mà tự mình không rõ biết. Ai có thể giải thích được điềm lành này, hay ta nên vào thành hỏi các bậc hiền trí khác.”
Thiện Huệ sau khi nghĩ vậy liền khoác lộc y, cầm tịnh bình và chóng tích trượng, mang ô đi vào thành. Khi ngài đi ngang qua chỗ ở của Lục Sư Ngoại Đạo, có 500 vị đang tu học ở đó. Thiện Huệ nghĩ rằng: “Hôm nay ta nên đem điềm mộng đến thử hỏi các vị này, đồng thời xem phương pháp tu học của họ thế nào, cùng đàm luận đạo lý để phá đi quan điểm tà kiến của họ.” Thiện Huệ đã luận tranh cùng họ, Lục Sư Ngoại Đạo bị khuất phục, không ai thắng qua Thiện Huệ, và họ muốn bái Thiện Huệ làm sư phụ. Để tỏ lòng thành kính, mỗi vị phát tâm hoan hỷ cúng dường Thiện Huệ một đồng tiền vàng, tổng cộng cả thảy gồm năm trăm đồng.
Năm trăm tu sĩ ngoại đạo này thấy tướng mạo trang nghiêm của Thiện Huệ, luận bàn đạo lý rõ ràng và nói rằng: “Chúng tôi tuy không giải rõ được điềm mộng của Ngài, nhưng biết rằng hiện nay có đức Phổ Quang Như Lai xuất thế, Ngài nhất định giải rõ được giấc mộng của ông.” Thiện Huệ sau khi nghe xong điều này, lòng dạ vô cùng vui mừng, vội vàng cáo từ thầy trò các thầy ngoại đạo, rồi mang theo 500 đồng tiền vàng được cúng dường đi đến vương thành. Khi gần đến vương thành, thấy dân chúng đang dọn dẹp đường phố, rải nước hương hoa trên đường, khắp nơi đều treo tràng phan bảo cái một cách trang nghiêm. Thiện Huệ thấy lạ hỏi mọi người rằng: “Mọi người trang hoàng long trọng như vậy là có sự việc gì vậy?” Nhân dân trong thành đáp rằng: “Có đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Phổ Quang Như Lai. Hôm nay đức vua Đăng Chiếu cung thỉnh Phật vào thành thuyết pháp, cho nên nhân dân trong thành đều cùng dọn dẹp đường xá, trang nghiêm phố phường.”
Thiện Huệ tiên nhơn hỏi một người đi đường: “Ông biết nơi nào có bán hoa quý không?” Người ấy nói rằng, hôm nay vua Đăng Chiếu ra lệnh nhân dân trong thành không được bán hoa, đem tất cả hoa quý và đẹp đến vương thành để cúng Phật.” Nghe xong Thiện Huệ thất vọng, biết tìm hoa quý đâu để cúng Phật, bỗng nhiên thấy một cô cung nữ đi ngang qua đường, tay cầm bảy đóa hoa tươi, cô này biết lệnh của vua nên đem hoa của mình đi vào vương thành, và dấu hoa ở trong bình để không ai thấy đòi mua.
Do lòng thành kính cúng Phật của Thiện Huệ, hoa ở trong bình cô gái tự nhiên xuất hiện ra ngoài. Thiện Huệ vội vàng đi theo cô và nói rằng: “Này cô, xin đợi một chút, hoa của cô đang cầm có bán hay không?” Cô cung nữ nghe lời Thiện Huệ hỏi mua hoa, lòng dạ phập phồng kinh ngạc, tự hỏi rằng: “Ta đã giấu hoa trong bình rất kín đáo, tại sao người này thấy được mà hỏi mua.” Cô cung nữ vội ngó xuống bình hoa thấy hoa trong bình xuất hiện ra ngoài, cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi Thiện Huệ rằng: “Này ông, bảy cành hoa sen này đưa đến vương cung để cúng dường đức Phật, nên hoa này không được bán, xin ông đừng nghĩ chuyện mua”. Thiện Huệ tiên nhơn khẩn cầu cung nữ: “Tôi dùng 500 đồng tiền vàng mua 5 cành hoa sen.” Nghe xong cung nữ lấy làm lạ và nghi hoặc, tại sao mấy cành hoa này chẳng đáng giá bao nhiêu mà người này dùng 500 đồng tiền vàng để mua 5 cành hoa. Cung nữ hỏi Thiện Huệ rằng: “Thưa ông, ông bỏ tiền ra nhiều muốn mua 5 cành hoa này là có ý nghĩa gì?” Thiện Huệ đáp rằng: “Nghe nói đức Phổ Quang Như Lai xuất hiện ở đời, hôm nay vua Đăng Chiếu thỉnh Phật vào thành thuyết pháp, cho nên tôi cần mua hoa quý để cúng dường Phật. Cô nên biết rằng, Phật đà xuất thế khó mà được gặp.” Cung nữ nghe xong, liền hỏi rằng: “Ngài mua hoa cúng dường Phật để mong ước được điều gì?” Thiện Huệ nói rằng: “Muốn đạt được nhất thiết chủng trí, cứu độ vô lượng chúng sanh khổ nạn.” Cung nữ biết rõ ý niệm của Thiện Huệ và trong lòng thầm nghĩ: Vị nam tử này tướng mạo trang nghiêm, khoác tấm lộc y che trên thân thể khỏe mạnh và đoan chánh, lại có lòng thành kính với Phật, không tiếc tiền bạc, đây là hạng người tốt khó gặp, liền nói với Thiện Huệ rằng: “Tôi đem hương hoa này để hiến cúng, nguyện kiếp sau được làm vợ ông.” Thiện Huệ vội nói rằng: “Tôi nay xuất gia tu học, cầu đạo vô vi, không thể kết duyên sanh tử.” Cung nữ đáp rằng: “Nếu ông không chấp nhận ý nguyện của tôi thì không thể mua được hoa này.” Thiện Huệ tiên nhơn đành nói rằng: “Nếu cô quyết định bán hoa, thì tôi chấp nhận ý cô, nhưng đừng có hối hận vì tôi rất thích bố thí, không được làm nghịch ý của tôi. Giả sử có người đến xin đầu óc tủy não, mắt mũi xương tủy, cho đến vợ con, tôi đều bố thí cho người đó. Lúc đó cô không được ngăn cản, phá hại thiện tâm bố thí của tôi.” Cung nữ nói với Thiện Huệ rằng: “Như vậy cũng được, thật là quá tốt, tôi đợi ông kiếp sau nhé. Kiếp này tôi phận nữ yếu hèn không thể đứng trước chúng đông được, tôi bán 5 cành hoa cho ông, còn 2 cành này nhờ ông cúng Phật giúp tôi. Nguyện đời đời kiếp kiếp không mất tâm nguyện này, đôi ta gặp nhau xấu đẹp không rời xa nhau, nhớ mãi trong lòng, cầu Phật chứng giám”. Cung nữ đời sau là vợ của thái tử Tất Đạt Đa.
Vua Đăng Chiếu cùng vương tử, văn võ đại thần, vương cung quyến thuộc, các thầy Bà La Môn cầm các loại hoa quý và dùng các món khác cúng dường, cùng xuất thành cung nghinh đức Phổ Quang Như Lai, nhân dân trong thành tháp tùng cùng đi theo. Lúc bấy giờ, 500 đệ tử ngoại đạo mà Thiện Huệ đã thâu nhận từ trước đều có ý nghĩ rằng: “Hôm nay đức vua cùng nhân dân đến đức Phổ Quang Như Lai cúng dường, Thiện Huệ đại sư nhất định đi, chúng ta cũng nên đến đó cúng dường và lễ kính đức Phổ Quang Như Lai.”
Năm trăm tu sĩ ngoại đạo này cùng đi đến chỗ của đức Phổ Quang Như Lai, đi giữa đường gặp Thiện Huệ tiên nhơn, thầy trò vui mừng khôn xiết, cùng nhau đi đến đức Phổ Quang Như Lai. Đương lúc họ đến nơi, thấy vua Đăng Chiếu cùng các quan văn võ đại thần, vương cung quyến thuộc đến trước đức Phổ Quang Như Lai. Vua Đăng Chiếu, người đầu tiên tán hoa cúng Phật và lễ bái, theo sau là văn võ đại thần và vương cung quyến thuộc. Toàn bộ các hoa quý họ tán lên đều rơi xuống mặt đất. Thiện Huệ tiên nhơn cùng 500 đệ tử đợi quốc vương, đại thần, vương cung quyến thuộc tán hoa cúng Phật xong, cùng đến trước Phật nhìn thấy vẻ từ bi của Phật cứu độ chúng sinh khổ não, thành tựu đầy đủ oai đức, liền tung năm cành hoa sen lên cúng dường. Mọi người đều ngạc nhiên rằng, năm cành hoa này trụ giữa không trung và kết thành năm đài sen. Sau đó Thiện Huệ lại cầm hai cành hoa của cung nữ gởi cúng Phật tung lên không trung, hai cành hoa này phân thành hai bên trước đức Phổ Quang Như Lai.
Quốc vương đại thần cùng vương cung quyến thuộc và cùng toàn dân nhìn thấy thập phần kinh ngạc cảnh tượng từ trước đến nay chưa từng có. Lúc bấy giờ, đức Phổ Quang Như Lai do thông đạt trí tuệ tự tại, đối với Thiện Huệ tiên nhơn thọ ký rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử, ông lấy hạnh lành này qua vô số kiếp về sau sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, là bậc thầy dạy tôn quý của trời người.” Đức Phổ Quang Như Lai thọ ký cho Thiện Huệ xong, nhìn thấy Thiện Huệ đầu còn búi tóc, khoát lộc y, đây không phải là y phục của đệ tử Phật. Vì muốn Thiện Huệ bỏ trang phục của tiên nhơn liền hóa đất trước mặt thành vũng bùn nước động, cần đi ngang qua chỗ này. Thiện Huệ nhìn đức Phổ Quang Như Lai sắp bước qua vũng bùn, trong tâm nghĩ rằng: “Làm sao để đức Phật phước tướng trang nghiêm bước qua vũng bùn nước động này. Thiện Huệ lập tức cởi bỏ tấm lộc y, trải xuống đoạn đường trước mặt đức Phật. Nhìn thấy tấm lộc y này không che khắp vũng nưóc, vội cắt búi tóc phủ trên phần còn lại của vũng bùn. Đức Phổ Quang Như Lai bước qua tấm lộc y và búi tóc, đối Thiện Huệ tiên nhơn mà thọ ký rằng: “Ông sau khi thành Phật, ở trong đời ác năm món ô trược, cứu khổ chúng sinh, không lấy làm khó, chính như ta vậy”.
Thiện Huệ cởi bỏ lộc y, tự cắt búi tóc, khoác áo ca sa liền thành tỳ kheo đệ tử của Phật. Lúc bấy giờ Thiện Huệ đối trước Phật bạch rằng: “Con trước đây ở rừng sâu tu hành, có một giấc mộng kỳ đặc: 1- Thấy thân mình nằm trên biển lớn; 2- Thấy gối đầu ở núi Tu Di; 3- Thấy tất cả chúng sinh đều nhập vào thân mình; 4- Thấy tay mình nâng mặt trời lên; 5- Thấy tay mình nâng mặt trăng lên. Duy nguyện Thế Tôn vì con mà nói rõ tướng mộng này.” Bấy giờ đức Phổ Quang Như Lai nói với Thiện Huệ tỳ kheo rằng: “Ông muốn biết điềm mộng này ta sẽ vì ông mà nói: 1- Thấy thân ông nằm trên biển lớn, chính là ông tương lai sau sẽ sanh ở trong biển lớn sanh tử. 2- Mộng thấy gối đầu ở núi Tu Di là tương lai ông xuất sanh ở biển lớn sanh tử mà chứng đắt Niết Bàn. 3- Mộng thấy tất cả chúng sinh đều nhập vào thân ông là tương lai sau, ông vì chúng sinh mà quy y cho họ. 4- Mộng thấy tay nâng mặt trời là ông tương lai dùng trí tuệ quang minh chiếu soi khắp pháp giới. 5- Mộng thấy tay nâng mặt trăng là ông tương lai dùng chánh pháp từ bi giáo hóa chúng sinh khiến cho họ xa rời khổ não. Đây là giấc mộng kỳ đặc tương lai ông thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.