Chuyển tới nội dung

Những thay đổi lớn về tiền bạc khi bạn bước sang tuổi 30, ai cũng cần lưu ý

  • bởi

Bước qua tuổi trẻ sôi nổi tiêu xài không phải nghĩ, giờ là lúc bạn phải biết cân nhắc hơn với đồng tiền của mình để có thể hoạch định tài chính cho những kế hoạch quan trọng của đời người và có của để dành khi tuổi già kéo tới.

Và dưới đây là những điều bạn nên làm với tiền của mình khi bước vào tuổi 30:

1. Bạn thực sự cần ngân quỹ cho việc khẩn cấp

Bất kỳ ai cũng nên có một khoản tiền phòng thân trong các trường hợp cần kíp, nhưng khi bạn 30 tuổi, việc này không thể trì hoãn được nữa vì cuộc sống của bạn lúc này sẽ có nhiều việc phải dùng đến khoản tiền dự phòng này hơn và các vấn đề của tuổi trưởng thành cũng sẽ càng đắt đỏ hơn. Hãy bắt đầu từ khoản tối thiểu 20-25 triệu đồng để phòng khi ốm đau, sảy nhà ra thất nghiệp nhé.

2. Bạn nên tiếp tục nộp hồ sơ xin việc

Hãy duy trì việc nộp hồ sơ cho các ví trí tuyển dụng hấp dẫn, và đi phỏng vấn 2-3 lần mỗi năm cả khi bạn vẫn yêu thích công việc hiện tại. Việc này giúp bạn luôn giữ trạng thái năng động trên thị trường việc làm trong lĩnh vực của bạn, và bạn sẽ không để tuột những cơ hội việc làm ngon lành. Tuy nhiên, hãy khéo léo tránh để công ty hiện tại của bạn hiểu nhầm rằng bạn đang chán việc nhé!

3. Chấp nhận rủi ro với các quyết định liên quan đến sự nghiệp

Nếu bạn có ý định bỏ việc đi học lại, đầu tư kinh doanh riêng hay đơn giản hơn là mạo hiểm bỏ vị trí đang tốt để chuyển sang công việc yêu thích hơn nhưng tiềm ẩn rủi ro thì hãy can đảm làm luôn, vì càng về sau rủi ro sẽ càng lớn. Khi bạn bước qua tuổi 40, mọi thay đổi lớn trong sự nghiệp sẽ khó khăn vào rủi ro hơn rất nhiều. Cứ làm liều, nếu muốn, bây giờ hoặc không bao giờ nữa!

4. Đòi hỏi mức lương và thu nhập cao hơn

Sau gần chục năm làm quen, lăn xả mài giũa kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, giờ là lúc trình độ chuyên môn của bạn đã đạt đến một tầm cao mới và bạn có quyền đòi hỏi đãi ngộ xứng đáng hơn cho kỹ năng, kinh nghiệm và đóng góp của mình. Đừng chấp nhận một mức lương bèo bọt, hãy biết giá trị của mình và nhận đồng lương xứng đáng với mình.

5. Đầu tư cho chính mình

Nếu muốn thành công và giàu có hơn, bạn cần phải đầu tư để hoàn thiện chính mình hơn và hơn nữa. Hãy dành 3% thu nhập để đầu tư cho việc nâng cao kỹ năng và kiến thức của bản thân, từ sách vở cho đến các hội thảo và khoá học.

6. Bảo hiểm cũng rất quan trọng

Nếu bạn chưa mua bảo hiểm cho mình, giờ lúc nên nghiêm túc nghĩ đến chuyện mua báo hiểm, ít nhất là bảo hiểm y tế. Nếu bạn vẫn đang mua bảo hiểm, hãy nghĩ đến chuyện tăng mức bảo hiểm. Bạn biết đó, càng lớn tuổi, rủi ro càng nhiều và khả năng cần tới tiền bảo hiểm cũng càng cao.

7. Về hưu không phải quá xa vời đâu, hãy tiết kiệm đi!

Vẫn còn đến 25-30 năm nữa bạn mới được nhàn rỗi nghỉ ngơi và nhận lương hưu hàng tháng, nhưng để có được tuổi già an nhàn thì bạn tích cóp từ bây giờ với việc duy trì công việc ổn định, mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm. Có phải bước sang tuổi 30 bạn đã thấy hưu trí là một câu chuyện khá hiện hữu rồi?

8. Bạn sẽ muốn sở hữu căn nhà riêng của mình

Rốt cuộc thì đã đến lúc bạn nghiêm túc nghĩ về ngôi nhà của riêng mình thay vì cứ ở mãi nhà bố mẹ hay thuê nhà. Mua nhà là một quyết định lớn của đời người và bạn sẽ phải chuẩn bị tài chính khá lớn nếu muốn biến ngôi nhà trong mơ thành hiện thực.

9. Nợ nần cũng là bác thằng bần

Trừ khi bạn là chuyên gia tài chính và có kinh nghiệm vay tiền làm ăn, việc vay nợ là rất mạo hiểm cho tương lai. Một khi sa chân vào việc nợ nần lẩn quẩn, bạn sẽ chẳng thể nào tính toán được tiền nong cho những việc lớn của mình. Nếu bạn đang mắc nợ, hãy trả dứt điểm càng sớm càng tốt, nếu chưa, hãy cố gắng đừng để mắc nợ.

10. Bạn phải nói chuyện tiền nong với bạn đời

Nếu hai bạn đã kết hôn hoặc quyết định gắn bó đời mình với nhau thì tiền bạc sẽ là chủ đề hết sức nhạy cảm nhưng không thể không nói. Bạn cần phải hiểu rõ cách tiêu xài và quản lý tiền bạc của người sẽ chung sống với mình cũng như cùng người ấy thoả thuận cách thức chi tiêu và tiết kiệm cho cuộc sống chung của hai người. Bạn có biết rằng tiền bạc là nguyên nhân gây tranh cãi và đổ vỡ rất phổ biến?

11. Sau tiết kiệm là đầu tư

Khi đã dành ra một khoản phòng thân và một khoản cho tuổi già thanh thản, bạn cũng nên nghĩ đến chuyện đầu tư. Việc bạn giữ được tiền là một điều tốt, nhưng đồng tiền nếu không sinh lời sẽ tự nhiên trượt giá. Đừng chần chừ nữa, hãy nghiêm túc nghĩ đến việc bạn có thể đầu tư tiền của mình cho việc gì, nếu không tự kinh doanh thì có thể đầu tư vào vàng, nhà đất, cổ phiếu hay hùn hạp làm ăn.

Couple holding handfuls of money

12. Lập ngân sách giáo dục cho con

Trừ khi bạn quyết định không sinh con, còn nếu bạn đã có con hoặc có kế hoạch có con thì cũng phải nghĩ đến chuyện dành dụm tiền nuôi con ăn học. Nuôi con là việc tốn kém, lo cho con học hành tử tế để có tương lai sáng lạn còn tốn kém hơn. Chẳng sớm để bắt đầu tích cóp tiền cho con đi học đại học từ bây giờ đâu.

13. Dạy con về tiền từ tuổi còn thơ

Điều này dành cho những ai đã có con. Bạn có thể nghĩ rằng dạy trẻ con về tiền bạc sớm là không nên, nhưng thực tế đó lại là điều rất nên làm. Hãy cho trẻ tập làm quen với việc dùng và quản lý tiền của mình, làm gương cho trẻ về cách chi tiêu và tiết kiệm để sau này con bạn biết cách quản lý tiền từ sớm, tránh được những sai lầm nông nổi (có thể như bạn đã từng) và tất nhiên bạn cũng sẽ đỡ khổ về tiền bạc hơn nếu con hiểu được giá trị đồng tiền bạn kiếm ra.

14. Bớt phô trương và sống thật với khả năng tài chính của mình

Từ những điều ở trên, có lẽ bạn đã nhận ra rằng cuộc sống của người trưởng thành có cả tỷ thứ phải chi tiêu và dành dụm. Giờ đây, có lẽ thu nhập của bạn đã khá hơn lúc mới ra trường nhiều và bạn đã có thể mua sắm cho mình những thứ đắt đỏ hào nhoáng hơn, nhưng mỗi khi muốn mua một món gì đắt hơn giá trị bạn cần ở nó, hãy cân nhắc cho kỹ rằng bạn cần dùng nó chứ không phải để khoe nó. Rồi sẽ chẳng ai nhớ bạn dùng đồ đắt tiền sang chảnh, nên hãy bớt phô trương phù phiếm mà sống đúng với đồng tiền mình có đi nhé!

15. Nhưng dù sao cũng phải tận hưởng cuộc sống cho mình chứ!

Rất nhiều khoản tiền để lo và tiết kiệm như vậy không có nghĩa là bạn không thể dành khoàn nào cho mình được. Dù sao đi nữa thì bạn vẫn sống trong hiện tại, và bạn phải vui vẻ hạnh phúc thì mới có thể chăm lo tốt cho tương lai của mình và con cái được. Hãy dành tiền để đi chơi, để trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống vì sau này già rồi có muốn tận hưởng thì cũng khá muộn rồi.

Vậy, bạn đã tính toán tiền bạc cho hiện tại và tương lai của mình thế nào?

“>

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status