Trong việc giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, Phật đã dạy 3 ‘điểm vàng’ để hôn nhân trăm năm bền vững.
Phật dạy rằng không phải oan gia thì sẽ không gặp nhau và vợ chồng chính là oan gia từ kiếp trước của nhau. Bát đũa còn có lúc xô, vì thế hôn nhân gia đình không phải khi nào cũng êm đẹp, cũng có những lúc xảy ra bất hòa.
Hôn nhân chính là sự mở đầu tiến trình thể hiện tâm tưởng”đồng thuận”trong đời sống lứa đôi, nghĩa là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình.
Tâm tưởng đồng thuận càng được thể hiện thì hạnh phúc hôn nhân càng thêm sâu bền. Dân gian có câu nói: “Đồng vợ đồng chồng (hay thuận vợ thuận chồng) tát biển Đông cũng cạn”, ngụ ý sự hòa hợp giữa hai tâm hồn yêu nhau tạo nên sức mạnh, có khả năng vượt qua mọi gian nan thử thách trong đời sống hôn nhân gia đình.
Từ việc nhỏ cho tới việc lớn mà cả hai, vợ và chồng, đều đồng tâm hiệp lực thực hiện thì kết quả sẽ vẹn toàn. Giả dụ, sự nỗ lực nào đó chưa đạt kết quả như mong muốn,thậm chí có thất bại đi chăng nữa, thì cả hai tâm hồn cũng biết cách vỗ về an ủi cho nhau mà không hề ngã lòng. Nói khác đi, không hề có cảm giác thất bại khi cả hai tâm hồn biết yêu thương, luôn luôn quan tâm chăm sóc đỡ đần cho nhau.
Trong việc giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, thay đổi thái độ chính là mấu chốt của vấn đề. Mỗi khi vợ chồng bất hòa, hãy thử kiểm điểm lại bản thân, xem mình có ích kỷ không, có chân thành không, có tôn trọng đối phương không? Cùng nhau trải qua sóng gió cuộc đời không chỉ cần tình yêu, mà còn bao gồm thấu hiểu, nhường nhịn và duyên phận.
Dưới đây 3 điểm vàng Phật dạy để giúp hôn nhân trăm năm bền vững.
1. Bao dung
Làm người không ai là không có khuyết điểm. Phật dạy, muốn chân chính hiểu một người hãy nhìn vào khuyết điểm của người đó. Cũng như, khi yêu một người, khi lấy một người hãy nhìn thẳng vào khiếm khuyết của đối phương. Có vậy mới tiếp nhận người đó hoàn toàn.
Nhìn ra khuyết điểm không phải để chỉ trích mà là để bao dung. Không phải thỏa hiệp mà là dung hòa. Đó là nền tảng của mối quan hệ lâu dài, nền tảng của hôn nhân hạnh phúc.
2. Tùy duyên
Trong đời, duyên đến duyên đi là lẽ tự nhiên. Quan hệ vợ chồng cũng vậy, đến với nhau là hữu duyên, xa nhau là vô duyên, “vạn sự tùy duyên” là hợp lẽ. Tình cảm không thể cưỡng ép, suy nghĩ không thể cưỡng cầu.
Hôn nhân bất đồng là do ép đối phương theo ý mình. Nhớ lấy điểm trên mà tự nhìn nhận lại, tôn trọng bản thân và tôn trọng bạn đời.
3. Hiểu biết
Hôn nhân cần phải hiểu biết, hiểu để bao dung, hiểu để tùy duyên, biết để nhường nhịn, biết để chân thành. Vợ chồng không thể quá so đo được mất, hơn thua. Hôn nhân không phải cuộc chiến để xem ai giành chiến thắng, ai thu được lợi nhiều. Vì thế mà hiểu biết rất quan trọng, giữ chừng mực trong lời nói, hành động của đôi bên.
Vợ chồng như bao mối quan hệ trên đời, có hợp có tan, có gặp gỡ, có chia ly, người trọn đời bên nhau, kẻ chỉ là bèo nước gặp gỡ. Nhưng Phật dạy rằng tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối, không nên dễ dàng buông bỏ. Cải thiện quan hệ vợ chồng, cùng nhau hòa hảo, sống vui trọn kiếp, ấy mới là cái đích hướng đến.