Hãy đọc lời răn của Phật cho đệ tử:
“Thời Phật còn tại thế có bốn vị tân Tỳ kheo trong lúc dạo cảnh mùa xuân cùng nhau trò chuyện, họ hỏi nhau: “Sống ở trên đời, điều gì đáng yêu thích khiến người ta vui vẻ sung sướng?”.
Một người trả lời: “Mùa xuân trăm hoa khoe sắc ngàn tía muôn hồng, phong cảnh hữu tình, du xuân thưởng ngoạn đó đây thật là điều vui thích”.
Người thứ hai nói: “Bà con bạn bè hội họp chén tạc chén thù, ca múa hát xướng mới là điều vui thích nhất”.
Người thứ ba phát biểu: “Có thật nhiều tiền của, nhà cửa sang trọng, vợ đẹp con xinh, quyền cao chức trọng, ăn ngon mặc đẹp, xuống ngựa lên xe, kẻ hầu người hạ, đó là điều vui thích nhất”.
Người thứ tư đưa quan điểm của mình: “Sắc đẹp mỹ miều, yêu kiều diễm lệ, mắt long lanh như nước biếc, môi xinh thắm như hoa cười, lời nói rót mật vào lòng, đó là điều khiến người ta vui thích nhất”.
Đức Phật thấy bốn vị Tỳ kheo này vì thất niệm mà để tâm ý dong ruổi theo vọng tình. Ngài biết có thể độ họ, bèn đi đến hỏi: “Các ông đang luận bàn chuyện gì thế?”.
Bốn người thành thật kể lại cho đức Phật nghe suy nghĩ của họ về những lạc thú trên đời. Nghe xong, đức Phật bảo: “Những điều các ông cho là vui thích thường đưa con người đến chỗ mê muội, lo lắng, sợ hãi, khổ não, oán thù; đó không phải là pháp tuyệt đối an vui và mãi mãi hoan lạc, càng tham đắm thì càng phiền não khổ đau. Các ông cần nên quán xét, mùa xuân vạn vật tốt tươi, sang mùa thu mùa đông thì úa tàn rơi rụng. Bà con, bạn bè sum vầy vui vẻ rồi phải chịu cảnh chia ly, càng vui vẻ bao nhiêu thì càng khổ sầu bấy nhiêu. Tài sản của cải là của chung năm nhà: vua quan, trộm cướp, con cái, nạn nước trôi, nạn lửa cháy, chúng không là tài sản của riêng ai, nay trong tay người này mai vào tay kẻ khác, chúng không ở mãi với chúng ta. Thê thiếp xinh đẹp là đầu mối yêu ghét, oán hờn, càng nhiều thê thiếp thì càng lo âu phiền não, càng bận bịu buộc ràng; càng đắm sắc mê hương thì càng hao mòn thân thể, suy tổn tinh thần. Là người xuất gia từ bỏ con đường thế tục, quyết chí cầu đạo, không đắm nhiễm lạc thú thế gian, hành đạo vô vi sẽ tự nhiên đạt được Niết bàn an lạc, đây mới là chỗ tuyệt đối an vui”.
Có những người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc mà không cần nhiều những yếu tố vật chất bên ngoài và không lệ thuộc tiền tài, danh vọng, quyền lực…
Họ sống giản dị, đời sống vật chất nghèo nàn nhưng họ giàu có về tâm hồn, họ tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong công việc, trong sự nghiệp cống hiến.
Trên thế gian con người có thể tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc từ nhiều nhân tố, từ nhiều điều kiện nhân duyên, nhưng đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực không có những hệ lụy, không dẫn đến bất an, đau khổ, đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc lâu dài, miên viễn? Làm sao để sống an lạc trong hiện tại và tương lai?