Còn nhớ khi xưa mỗi mùa hè về, tụi trẻ trong xóm lại tíu tít tụ tập ở nhà hàng xóm xem phim “Tây Du Ký”. Hồi ấy cả xóm chỉ có một, hai chiếc ti vi. Dung vẫn nhớ hình ảnh Bồ Tát Quán Âm cùng tiểu đồng hóa thân người phàm áo vải bước tới quán nước tìm người thiện lành trao gửi sứ mệnh sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Chính nơi đây Bồ Tát đã được nghe kể về gia cảnh trái ngang và nghịch cảnh của Đường Huyền Trang khi oa oa cất tiếng khóc chào đời. Điều khiến mọi người tấm tắc ngợi khen là cậu bé này ngay từ khi rất nhỏ đã vô cùng lương thiện. Trên đường về chùa vô tình gặp một người đánh cá xách một chú cá vàng to đùng, bất chợt cậu bé động lòng trắc ẩn và muốn cứu sống chú cá. Cậu sẵn sàng đổi bó củi mình vất vả kiếm được trên lưng lấy một chú cá vàng và hạnh phúc thả chú trở về thỏa sức vùng vẫy nơi sông nước.
Hình ảnh và tâm lương thiện của cậu bé cũng gieo vào lòng Dung niềm trắc ẩn với những loài vật không may gặp nạn. Còn nhớ khi nhỏ nhà Dung nuôi một đàn vịt. Dung rất thích ngắm nhìn những chú vịt dang rộng đôi cánh, đậu trên tảng đá trước cửa chuồng rồi sải đôi cánh bay là là mặt đất, nhẹ nhàng đáp xuống cửa vườn, rồi lạch bạch khấn khởi bước vào cái vườn rộng mỗi buổi sớm. Dung rất yêu mến chúng, ngày ngày cô bé cho chúng ăn uống no nê. Khi rảnh Dung còn hăm hở ra đào giun ở một góc vườn và tung cho đàn vịt ăn. Lũ vịt lao xao, chụm đầu vào nhau, nuốt lấy nuốt để những chú giun béo tròn.
Bỗng một hôm, cũng như mọi ngày, Dung lấy con dao cùn đào đào bới bới thì một chùm nắng rực rỡ le lói chiếu xuống mảnh vườn. Dung nhìn thấy những chú giun bị đứt làm đôi làm ba đang ngoe nguẩy thân mình óng ánh. Ánh nắng phản chiếu khiến Dung nhìn rõ thân hình những chú giun quằn quại và thi thoảng vài vệt máu đỏ tươi lấm tấm bám trên mặt đất.
Cô bé thoáng rùng mình vào giây phút cảm nhận được nỗi đau của những sinh linh bé nhỏ tưởng như chẳng đáng để quan tâm ấy. Cô bé nhìn đăm đăm vào những chú giun đang hoảng loạn trườn lên trườn xuống cái bát bên cạnh cô. Sống mũi bất chợt cay cay và nước mắt đã trực trào ra. Từ hôm đó Dung tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ sát hại những sinh linh tội nghiệp ấy nữa. Cô bé đứng trước các em vịt và nói: “Từ giờ chị sẽ không đào giun cho các em ăn nữa. Chị không muốn mang đến đau khổ và hoảng loạn cho các bạn giun ấy”.
Dung cũng hứa với lòng mình từ nay trở đi sẽ hết lòng cứu giúp những sinh mệnh bé nhỏ gặp nạn để lòng cô có thể thanh thản và hạnh phúc hơn. Từ đó thi thoảng Dung lại giấu mẹ mang những chú ốc trong chậu mẹ mua về thả ra cái giếng làng to đùng ngay đầu xóm. Đôi khi nhìn thấy một chú cua đang lơ ngơ giữa đường phố đông người qua lại, Dung vội vàng nhặt chú cua lên và nhanh chóng mang ra ngoài đồng. Cô bé đăm đăm nhìn theo mãi cho đến khi bóng chú cua khuất hẳn sau bụi cỏ. Dung thầm chúc chú gặp nhiều may mắn và bình an trong cuộc sống.
Thi thoảng ra chợ nhìn thấy những chú cua, chú ếch bị trói chặt suốt nhiều giờ, đang nằm khổ sở trong chậu, cô bé lại chạy đăm đăm nhìn chúng và lặng lẽ quay mặt đi lau những giọt nước mắt xót thương. Những khi bất chợt đi trên đường nhìn thấy những chú gà, chú vịt chen chúc nhau trong chiếc lồng chật chội hay bị trói chân treo ngược nơi tay lái, yên xe, nỗi thương cảm lại trào dâng trong lòng cô bé.
Lúc đó chẳng ai nói với cô bé phóng sinh sẽ được phúc báo hay lợi lộc gì cả. Cô chỉ cảm thấy nếu mình là những sinh mệnh bé nhỏ kia khi gặp nạn chắc cũng sẽ hoảng sợ và đau khổ lắm. Bởi lẽ sinh mệnh nào cũng mang trong mình ước nguyện được sống và sống hạnh phúc.
“Thương người như thể thương thân”, thương các sinh mệnh trên cõi thế gian cũng như thương chính bản thân mình
Ngay cả khi đã trở thành một người phụ nữ chín chắn, Dung tin những câu chuyện báo ân của các sinh mệnh được phóng sinh là có thực. Dung cũng say sưa với những câu chuyện về sinh mệnh được phóng sinh trở về báo đáp ân nhân của mình, như câu chuyện “Ông lão và con cá vàng”. Hay câu chuyện một ông lão đến khi đầu bạc trắng vẫn chẳng có được một mụn con. Hai vợ chồng khóc than cho số phận hẩm hiu của mình khi đứa con thứ 7 vừa chào đời được vài tháng lại vĩnh biệt cha mẹ già trên cõi thế gian. Một hôm ông xót thương thả chú cá vàng mắc cạn nơi biển cả, chú cá báo mộng rằng sẽ đầu thai làm con ông để báo đáp ân tình cứu mạng. Quả nhiên sau đó vợ ông sinh được một cô gái bé bỏng. Cô bé không bỏ vợ chồng ông mà đi như các anh chị em mình. Khi lớn lên cô rất mực hiếu thuận và chăm sóc mẹ cha.
Từ nhỏ Dung đã thắc mắc tại sao trái đất lơ lửng giữa vũ trụ lại có thể tự mình xoay quanh chính mình? Tại sao vầng thái dương và ánh trăng huyền ảo giữa trời đêm vẫn luôn vận động nhịp nhàng và chính xác hết năm này qua năm khác, khiến bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông xoay vần trên thế gian? Ngay cả bầu trời sao lung linh khi Dung còn thơ bé và khi cô lớn lên dường như cũng đang đổi khác? Hay vì sao axit có thể làm tổn thương đến con người nhưng lại nằm ngay trong dạ dày của mỗi người và đang ngày đêm nhào trộn thức ăn mà con người vẫn không chút mảy may tổn hại? Lục phủ ngũ tạng của con người vẫn ngày đêm hoạt động nhịp nhàng mà không cần bất cứ sự tác động nào của khoa học đó sao?
Đó quả là một điều không hề ngẫu nhiên chút nào. Sức mạnh bí ẩn nào có thể điều tiết vạn vật một cách kỳ diệu, nhịp nhàng và chính xác đến vậy? Những điều này khoa học của con người vĩnh viễn chẳng thể giải thích thấu đáo. Vậy nên Dung tin rằng những đấng Thần linh là có thực. Nhà khoa học vĩ đại Einstein vào những năm cuối đời mình cũng từng nói khoa học vĩ đại nhất được nắm giữ trong tay các vị Thần.
Dung cũng tin rằng con người chuyển sinh trong lục đạo luân hồi là có thực. Tùy theo những việc thiện và việc ác mà bản thân người đó làm trong đời này hay trong nhiều đời trước mà ông Trời sẽ an bài cho mỗi người những vận mệnh, buồn vui sướng khổ, giàu nghèo, thọ mệnh khác nhau. Chẳng phải bậc thánh nhân Khổng Tử cũng giảng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” đó sao?
Có thể kiếp này Dung là một cô gái lương thiện, nhưng biết đâu một kiếp nào đó cô cũng từng làm hại những sinh linh khác thì cũng phải hoàn trả nợ nghiệp mình đã gây ra thôi. Trong 6 nẻo luân hồi ấy, có thể cô cũng đã từng là cây cỏ, là động vật, là chim muông trên cõi đời này. Vậy nên Dung thường tâm niệm: “Thương người như thể thương thân”, thương các sinh mệnh trên cõi thế gian cũng như thương chính bản thân mình vậy.
Dung cũng nghe thấy đâu đó các cô các bác truyền tai nhau ra chợ mua cá, mua chim, ốc, ếch hay mua lươn về cúng rồi phóng sinh để cầu mong mình và người nhà được khỏi bệnh, tích được âm đức từ đó mà thăng quan, phát tài. Dung thiết nghĩ Ông Trời có đức hiếu sinh, là phúc hay họa là do cái tâm của mỗi người quyết định.
Dung ngắm nhìn ba nét vạch lên chữ Tâm 心. Theo cô hiểu 3 vạch ấy chính là 3 chữ Chân, Thiện, Nhẫn (sự chân thành, lương thiện và nhẫn nại) như chiếc kiềng ba chân. Ông Trời chỉ nhìn vào cái tâm của con người mà phân định tốt xấu, từ đó ban phúc hay trừng phạt con người mà thôi. Ông cha ta cũng có câu: “Trên đầu ba tấc có thần linh”, “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai chi” (Lòng người xuất ra một niệm, trời đất đều tỏ tường).
Dẫu chỉ là phóng sinh một chú chim nhỏ nhưng lòng người mang tâm trắc ẩn, thực sự xót thương khi sinh mệnh ấy gặp nạn và hạnh phúc được thấy chúng bình yên trở về với môi trường sống của mình, đó mới là điều đáng trân quý.
Còn muốn phóng sinh chỉ để cầu xin may mắn và tài lộc cho bản thân, gia đình thì xuất phát điểm ấy chẳng phải là điều vị tư hay sao? Trên hình thức cũng là phóng sinh nhưng khi thả những chú chim bay loạng choạng hay những chú cá mệt đứ đừ đang ngất ngư trong dòng nước, người ta lại nghĩ đến mình sẽ được những gì. Liệu có vị Thần Phật nào ban phúc lộc cho những tâm hồn ích kỷ như vậy?
Vậy nên nhiều người khi mua chim, cá và các động vật nhỏ khác về, điều đầu tiên họ nghĩ tới không phải là tìm con sông nào, cánh đồng nào trong lành để những sinh mệnh ấy sớm được tự do sống cuộc sống của mình. Mà thường đợi khi nén hương đã tàn, khi câu chú đã đọc xong, khi chúng khắc khoải, mòn mỏi, thoi thóp chờ đợi trong những chiếc túi nilon chật hẹp, hay chiếc chậu con con chẳng thể xoay mình thì mới yên tâm thả chúng trở về tự nhiên.
Cũng có người chẳng hề bận tâm xem liệu chúng còn có thể sống sót khi trở về hay không, nên tiện đâu thả đấy, mà chẳng buồn bận tâm xem dòng sông ấy, con lạch ấy có bị ô nhiễm hay không. Cũng có những người vô thần vô thánh đang tâm trục lợi từ những sinh mệnh bé nhỏ đó.
Khi những chú cá còn đang loạng choạng quẫy mình trong dòng nước đầu nguồn thì đã có những người giăng lưới trực sẵn nơi cuối nguồn. Hay những chú chim bị người ta cố tình cắt cụt đôi cánh để dễ bề vợt lại mang bán khi còn đang ngơ ngác, chao đảo giữa không trung. Làm vậy thì người bán kẻ mua đều vô tình hay cố ý đi ngược lại với những lời răn dạy của nhà Phật và tự chiêu mời thêm khổ nạn, sóng gió cho cuộc đời mình mà thôi.
Dung tự hỏi trong 10.000 người truyền tay phóng sinh hơn 5 tấn cá kia, có bao nhiêu người thực sự mong muốn những sinh mệnh ấy được hạnh phúc trở về nhà của mình và được hạnh phúc vùng vẫy nơi sông nước? Hay họ chỉ muốn lập một kỷ lục nào đó lưu lại “tiếng tăm” cho con cháu, để hỷ hả “khoe khoang thành tích” với người khác? Đâu đó lại có những quy định loài vật nào thì được phóng sinh và loài vật nào không. Đức hiếu sinh mà nhà Phật thuyết giảng là tâm từ bi, là lòng trắc ẩn với mọi sinh linh, chẳng hề có sự phân biệt như lối nghĩ của con người thế gian.
“Chiếc áo nâu sòng không làm nên thầy tu”, Dung thầm nghĩ phàm là những người thực sự có đức hiếu sinh và động lòng trắc ẩn trước cảnh ngộ của những sinh linh bé nhỏ, non nớt, tội nghiệp, thì sẽ chẳng nguyện ý “phô trương thanh thế” như vậy. Họ không cần phải đợi đến ngày tết phóng sinh hay dịp lễ tết nào đó mới vội vội vàng vàng đi mua những sinh mệnh bé nhỏ về phóng sinh.
Họ chỉ âm thầm, lặng lẽ làm những việc mình nên làm suốt cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Điều họ quan tâm không phải có bao nhiêu người biết đến nghĩa cử của mình hay họ sẽ nhận được phúc báo gì, mà chỉ đơn giản là cuộc sống nên như vậy. Họ nhận được tình yêu thương và che chở vô điều kiện của mẹ tự nhiên, thì họ cũng cần yêu thương và bảo vệ những sinh mệnh khác, những đứa con khác của mẹ tự nhiên mà thôi.
Đỗ Quyên