Sau đây là 6 cách đơn giản thoát khỏi khó khăn để thấy được “sau cơn mưa trời sẽ sáng”
1. Viết ra những điều tồi tệ mà mình đang gặp phải
Nếu bạn không thể xác định chính xác những gì đang gây ra đau đớn, đau khổ, nhầm lẫn, hoặc những gì ngăn cản bạn không để cho mọi chuyện qua đi, hãy dành thời gian viết về trải nghiệm của bạn.
Một cuốn nhật ký rất có ích trong hoàn cảnh này. Hãy tuyệt đối trung thực trong nhật ký và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc thật của mình. Đừng quan tâm đến chính tả, sự gọn gàng trong diễn đạt, hoặc thậm chí cả ý nghĩa của những gì mình viết.
Bắt đầu viết khi bạn cảm thấy có sự thôi thúc muốn giãi bầy, và dừng lại khi bạn cảm thấy đã diễn đạt được tất cả gánh nặng trong tâm hồn.
Hãy nhớ rằng bạn không bắt buộc phải viết tất cả ra một lần, bạn có thể hiểu cảm xúc của mình qua nhiều trang trong một khoảng thời gian.
2. Thực hành thiền định
Khi cảm thấy căng thẳng, hãy dành thời gian khoảng 15 phút cho một bài tập thiền đơn giản, bao gồm tập thở và thư giãn. Chú ý cảm giác đưa không khí vào cơ thể và thở ra. Lắng nghe hơi thở và luôn luôn trở lại với hơi thở của bạn.
Lưu ý những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của cơ thể.
Thực hành thiền định có thể rất khó khăn lúc đầu, nhưng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn kiên trì làm việc đó.
3. Tìm một câu “thần chú” để trấn tĩnh trong lúc khó khăn
Hãy tìm một câu nói có ý nghĩa tích cực như một câu “thần chú” để lặp lại với chính mình. Chọn một câu nói đủ mạnh mẽ với bạn như: “Tôi chấp nhận buông bỏ” hoặc “Chuyện này quá đủ rồi, buông thôi”; hoặc đơn giản là: “Tôi chọn yêu bản thân mình”…
Khi bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu, hãy lặp lại câu “thần chú” trong tâm trí.
Sẽ rất hữu ích khi viết những điều này lên một tờ giấy nhớ và dán chúng vào nơi mà bạn sẽ thấy chúng thường xuyên, như trên gương hoặc trên màn hình máy tính.
Một số người khác sẽ cảm thấy dễ chịu khi tạo một buổi lễ buông bỏ mang tính biểu trưng. Ví dụ, viết tất cả những suy nghĩ và cảm xúc của bạn về những gì bạn không thể thay đổi, sau đó đốt những gì đã viết ra trên giấy.
Nếu bạn đã sẵn sàng từ bỏ một mối quan hệ tồi tệ, hãy xóa bất cứ điều gì nhắc bạn về người hoặc mối quan hệ đó, viết một bức thư nói rằng bạn đã sẵn sàng để giải thoát mình khỏi mối quan hệ đó, sau đó đốt nó.
4. Hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân
Có những nỗi đau thật khó để chấp nhận, ví dụ bạn thân của bạn chết trong tai nạn xe hơi. Trong đau khổ bạn vẫn cần học cách chấp nhận rằng bản thân mình không có cách nào để tác động làm thay đổi sự thật đó. Tình bạn thật sự và những kỷ niệm tốt đẹp về người bạn ấy sẽ luôn luôn ở bên bạn ngay cả khi họ không còn nữa.
Nếu bạn không thể kiểm soát được tình huống, hãy kiểm soát cách bạn “trả lời” cho nó. Ví dụ, bạn không thể thay đổi thực tế là bạn đã trượt trong kỳ thi tuyển sinh của trường Đại học mơ ước. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát cách phản ứng của bạn với thất bại đó.
Bạn có thể cảm thấy buồn, thất vọng nhưng bạn biết rằng mình đang kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Hãy chọn cách duy trì cảm giác về bản thân ngay cả khi không nhận được những gì bạn muốn.
5. Hãy nhìn vào con đường phía trước
Mặc dù một điều gì đó có thể tồi tệ với bạn ngay lúc này nhưng hãy tự hỏi nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của bạn. Cuối cùng đó có phải là vấn đề trầm trọng trong năm năm tới? Biết đâu đó lại là câu chuyện “Tái ông thất mã” đối với bạn? Ngay cả khi bạn cảm thấy thất vọng và không biết phải làm gì, không có nghĩa là các cơ hội khác sẽ không đến với bạn.
Có thể bạn không có được công việc mơ ước, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một cơ hội tương tự, hoặc bạn có thể quyết định theo đuổi một hướng khác trong sự nghiệp của mình.
Hãy xem xét quá khứ, có những lần bạn đã từng rất – rất – thất vọng, nhưng cuối cùng bạn đã vượt qua chúng đấy thôi.
6. Đừng ngại tìm sự giúp đỡ
Hãy tìm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Tìm ai đó là người biết lắng nghe và quan tâm đến bạn.
Đừng e ngại và nghĩ rằng mình là một gánh nặng hoặc mình quá yếu đuối khi nói về cảm xúc cá nhân.
Nói cho cùng, được ai đó tin tưởng và chia sẻ cũng là một hạnh phúc. Hạnh phúc là cho và nhận, vì thế giúp đỡ ai đó cũng là một niềm hạnh phúc.
Theo WikiHow.com