Chuyện kể rằng, tại gian hàng trong một khu chợ có người tiểu thương bày ra hai cái giỏ tre lớn, một chiếc đậy nắp kín bưng, còn một chiếc thì hoàn toàn bỏ ngỏ.
Khi nhìn vào chiếc giỏ mở nắp, có thể thấy bên trong toàn là cua đang bò lổm ngổm. Lũ cua con nào con nấy cũng đều tranh nhau bò ra khỏi cái giỏ tre, nhưng rốt cuộc chẳng có con nào thoát ra được cả, bởi khi một con còn chưa kịp bò lên thì đã bị con khác lôi xuống.
Còn chiếc giỏ đậy nắp kia, khi người tiểu thương mở ra cho những khách hàng hiếu kỳ xem thử, bên trong giỏ tre đựng gì đây? Thì ra là những con rùa với đủ mọi kích thước to nhỏ khác nhau.
Vậy vì sao người tiểu thương phải đậy nắp chiếc giỏ đựng rùa này? Ông giải thích:
“Đó là bởi con rùa lớn nhất sẽ nằm lót ở bên dưới cùng, sau đó con rùa to hơn một chút nằm lên trên người nó, tiếp theo là con rùa nhỏ hơn một chút, ở trên tầng cao nhất sẽ là con rùa nhỏ nhất. Khi tất cả đều chung lòng chung sức như vậy, con rùa nhỏ ở trên cùng sẽ bò ra khỏi giỏ tre, sau đó con to hơn một chút nằm ở bên dưới cũng có thể bò ra ngoài, còn con lớn thứ hai thì mượn sức của con rùa lớn nhất ở dưới cùng mà ra được bên ngoài.”
Người tiểu thương đậy nắp lại rồi nói tiếp: “Cho nên tôi phải đậy nắp giỏ sao cho thật chặt, nếu không chẳng may sơ suất để chúng bò ra ngoài hết cả sẽ chẳng biết đi đâu để bắt chúng lại, còn con rùa lớn nhất đó, tuy sau cùng không bò ra được, nhưng nó vẫn không chút ân hận.”
Cùng bị nhốt trong trong chiếc giỏ tre như nhau, nhưng lũ cua đã không nhường nhịn lại còn tranh giành và tàn hại lẫn nhau – so với những lục đục tranh chấp hay tranh quyền đoạt lợi giữa người với người thì có gì khác biệt? Cuối cùng chỉ có thể rơi vào thảm trạng mất cả chì lẫn chài, hại người hại mình, bao nhiêu công sức bỏ ra trước đó nay đều đổ sông đổ biển.
Loài rùa thì trái lại, con rùa lớn đầy đủ trí tuệ bằng lòng làm vật đệm, để cho những con rùa khác dễ dàng có thể bò ra khỏi giỏ tre, cho dù phải hy sinh bản thân vẫn thản nhiên đối mặt, tinh thần này thật đúng là cao thượng biết bao!
Hai thái cực “chính-phản” trong câu chuyện cua và rùa này như đang nhắc nhở chúng ta rằng, con người vốn được coi là anh linh của vạn vật, vậy chúng ta cần đối đãi với nhau như thế nào cho xứng đáng? Đứng trước người hơn ta, ta có nên buông những lời gièm pha đố kỵ hay chăng? Đứng trước những kẻ yếu thế hơn ta, ta có nỡ coi thường và xúc phạm hay chăng?
Và đứng trước những người vì ta mà hy sinh thầm lặng, có lẽ nào ta lại không trân trọng sự nỗ lực và cố gắng của họ? Câu chuyện cũng khích lệ mọi người chớ nên so đo tính toán, mà hãy quan tâm yêu thương lẫn nhau, tin rằng thành tựu người khác cũng là thành tựu chính mình. Bởi con người là anh linh của vạn vật, chúng ta làm sao có thể không bằng được cả loài rùa nhỏ bé kia chứ, có phải vậy chăng?