Chuyển tới nội dung

Trên đời này, chỉ có duy nhất một người luôn luôn chờ đợi bạn

  • bởi

Tôi biết rằng mẹ chính là người duy nhất không bao giờ giận tôi trên đời này. Mẹ cũng là người duy nhất mãi mãi đợi chờ tôi. Và cũng chính vì ỷ lại vào sự sủng ái đó của mẹ, mới khiến cho mẹ chờ đợi tôi lâu đến như vậy.

Mẹ tôi đã thật sự già rồi. Người già thì sẽ giống như biến thành trẻ nhỏ, mỗi lần gọi điện thoại tới, đều rất sốt sắng, nhiệt tình hỏi: “Khi nào thì con về nhà?”. Nhưng đường sá xa xôi cách trở, lại phải chuyển xe chuyển tàu đến mấy lần, công việc lại bận rộn, còn thêm con nhỏ. Tôi thật sự không có cách nào có thể phân thân, đào đâu ra thời gian để mà về nhà cơ chứ?

Mẹ bây giờ thính giác không còn tốt, nghe không rõ người khác nói gì. Có khi tôi giải thích cả nửa ngày trời, mẹ vẫn lặp lại câu hỏi cũ trong vô thức: “Khi nào thì con về nhà?”. Nói 5 lần 7 lượt, tôi cũng không còn đủ kiên nhẫn nữa, liền hét lớn vào điện thoại. Mẹ cuối cùng dường như cũng nghe hiểu rồi, âm thầm cúp máy.

Cách vài ngày mẹ lại gọi điện hỏi cùng một câu hỏi, chỉ là giọng điệu nghe có vẻ sợ sệt, không còn sức lực nữa. Giống như một đứa trẻ không cam tâm, rõ ràng biết là hỏi rồi cũng như không hỏi, nhưng vẫn là không kìm được. Tôi cũng mềm lòng, thở dài một tiếng.

Mẹ phát hiện ra tôi không phiền, lập tức vui vẻ trở lại. Sau đó lần lượt miêu tả cảnh vật trong nhà: “Cây lựu phía sau vườn đã ra hoa rồi con ạ, dưa hấu cũng sắp chín rồi. Con về nhé”.

Tôi khó xử nói: “Công việc bận như vậy sao con dám xin nghỉ phép cơ chứ?”. Mẹ lại khẩn trương nói: “Con cứ nói mẹ bị ung thư rồi, chỉ còn sống được nửa năm nữa thôi”. Tôi lập tức trách mẹ ăn nói lung tung, thế mà mẹ chỉ cười xuề xoà.

Khi còn nhỏ, mỗi khi trời mưa tôi đều không muốn đi học, thế là giả vờ đau bụng. Bị mẹ phát hiện được nhất định sẽ mắng cho tôi một trận. Vậy mà bây giờ già rồi, ngược lại còn bày con gái nói dối, quả thực khiến tôi vừa thương vừa giận.

Những lần hỏi đáp như vậy nhiều đến tôi cũng không kìm lòng được, nói với mẹ tháng sau tôi nhất định sẽ về nhà. Mẹ vui đến mức nghẹn ngào không nói nên lời.

Nhưng không biết tại làm sao mà mãi mãi cũng không giải quyết hết công việc được. Chuyện công ty quan trọng hơn việc về nhà, sau cùng vẫn là không thể về thăm mẹ. Ở đầu dây bên kia, mẹ dường như không nói lời nào. Tôi thật sự thấy áy náy: “Mẹ, mẹ giận con rồi?”. Lần này mẹ thật sự nghe thấy, liền vội vàng nói: “Mẹ không có giận con, mẹ biết là con bận…”.

Qua vài ngày sau, mẹ gọi điện thoại đến giọng điệu rất khẩn cấp: “Con à, nho chín rồi, lê cũng chín rồi, con mau về ăn nhé”. Tôi nói: “Cũng đâu phải hiếm hoi gì, chợ ở đây cũng có mà mẹ. Hoa quả chỉ 8-10 đồng cũng có thể mua được một túi to”. Mẹ nghe thấy liền không vui, tôi đành nhẫn nại dỗ dành bà: “Nhưng mà, mấy thứ đó đều được trồng bằng phân hoá học và thuốc trừ sâu, sao ngon bằng đồ mẹ trồng”. Mẹ nghe thấy liền đắc ý, vui vẻ trở lại.

Một hôm thứ 7, nhiệt độ bên ngoài rất cao, tôi ở nhà mở máy lạnh không dám đi ra ngoài. Bọn trẻ thì lao nhao vì tủ lạnh hết kem rồi, tôi đành xuống dưới nhà mà mua cho chúng. Trong cái nóng hầm hập của con đường nhựa, tôi dường như nhìn thấy bóng dáng ai đó sao mà giống mẹ đến thế. Là mẹ!

Nhìn thấy hình ảnh mẹ vừa xuống xe, trên cổ thì đeo cái giỏ, trên lưng thì vác cái túi da nặng trĩu, lưng cũng vẹo hết sang một bên. Sợ người khác đụng phải đồ của mình, lúc thì né bên trái, khi lại tránh bên phải. Giữa dòng người chen chúc đông như kiến, mỗi bước đi của mẹ cũng trở nên vất vả hơn.

Tôi lớn tiếng gọi: “Mẹ”, mẹ chầm chậm ngước đầu lên, cả gương mặt ướt đầm mồ hôi, tìm kiếm bốn phía. Khi thấy tôi bước lại, mẹ vui mừng lẫn ngạc nhiên đến độ không nói được lời nào.

Vừa vào đến nhà, mẹ đã vui vẻ bày hết đồ đạc ra ngoài. Đôi tay để lộ những đường gân xanh, ngón tay thì dán đầy băng keo, 10 đầu ngón tay còn dính những vệt máu khô. Thế mà lại quay sang tôi cười nói: “Ăn đi, con mau ăn đi. Những thứ này đều do chính mẹ chọn đấy”.

Mẹ chưa bao giờ xa nhà, nhưng chỉ vì một câu nói của tôi mà có thể vượt ngàn dặm xa xôi. Ngồi chuyến xe rẻ tiền nhất, vừa không có điều hoà lại vừa đông người, mang cho tôi những quả nho, quả lê mọng nước tươi ngon nhất lại không độc hại chút nào.

Tôi không tưởng tượng ra được, mẹ làm thế nào mà vác hết đống đồ ấy đi đường. Tôi chỉ biết rằng, trên cuộc đời này, phàm nơi nào có mẹ thì nơi ấy ắt hẳn có kì tích.

Mẹ ở được ba ngày, lúc nào cũng nói tôi sao mà cực khổ thế. Tờ mờ sáng đã phải đi làm, lại phải chăm sóc con nhỏ, nhưng mẹ lại không giúp được gì. Nhà bếp quá hiện đại, mẹ không dám đụng vào, sợ làm hỏng chúng. Vậy rồi lại âm thầm tự mình đặt vé xe, lặng lẽ về quê một mình.

Vừa mới về được hơn tuần, mẹ lại nói nhớ tôi rồi, không kìm được kêu tôi mau về nhà. Tôi cười khổ nói: “Mẹ, mẹ ráng kiên nhẫn một chút nhé”. Qua ngày thứ 2, tôi nhận được điện thoại của dì ở quê gọi lên: “Mẹ con bệnh rồi, con mau về đi”. Tôi sốt ruột đến trước mắt tối sầm, nước mắt giàn giụa chạy đến trạm xe, nhanh chóng leo lên chuyến xe cuối cùng.

Suốt đường đi tôi cứ âm thầm cầu nguyện, hi vọng lần này chỉ là mẹ gạt tôi thôi, hi vọng mẹ vẫn khoẻ mạnh. Tôi nguyện ý nghe những lời càm ràm của mẹ, nguyện ý ăn hết những món mà mẹ nấu cho tôi, nguyện ý dành thời gian rảnh để trở về thăm mẹ. Lúc ấy tôi mới biết rằng, con người dù có sống đến 80 tuổi thì vẫn cần có mẹ…

Cuối cùng cũng về đến đầu thôn, thấy mẹ chạy chầm chậm ra đón tôi, nụ cười rạng rỡ. Tôi ôm chầm lấy mẹ, vừa cười vừa khóc, trách rằng: “Mẹ toàn nói những điều không tốt, nói bản thân mình bệnh nặng, chỉ có mẹ mới nghĩ ra được”.

Mặc dù bị trách nhưng mẹ vẫn không ngừng vui vẻ, nói là chỉ muốn được nhìn thấy tôi mà thôi. Tôi về khiến cho mẹ vui mừng đến bận rộn không ngừng, cả một bàn đầy những món ngon, đợi chờ tôi khen ngợi. Tôi vừa ăn vừa đánh giá không chút lưu tình: “Đậu đỏ này mẹ nấu chín quá rồi, vỏ sủi cảo thì gói quá dày, nhân thịt bên trong lại quá mặn”. Mẹ cười ngại ngùng, không biết làm sao đành đưa tay lên gãi gãi đầu.

Tôi cười thầm trong bụng, tôi biết chứ, chỉ cần tôi khen số đồ ăn này mẹ làm ngon, thì nhất định mẹ sẽ bắt tôi ăn hết, ăn xong lại làm cho tôi mang về. Tôi cứ bị vỗ cho béo tốt như thế, làm sao mà ốm nổi. Hơn nữa, nếu không chê mẹ nấu không ngon, thì tôi làm sao có cơ hội vào bếp nấu cho mẹ ăn?

Thế là những ngày sau, tôi đều vào bếp nấu cơm cho mẹ, cùng mẹ trò chuyện, mẹ nhìn tôi một lúc lâu thật lâu, đôi mắt lộ rõ sự thương yêu. Cho dù tôi nói gì, mẹ cũng ngồi nửa bên giường lắng tai nghe. Cho dù là ngủ trưa, cũng sẽ ngồi kế bên cười ngắm tôi ngủ. Tôi nói: “Mẹ thương con như vậy, sao không chịu ở chung với con?”. Mẹ lắc đầu nói: “Mẹ không quen sống ở thành phố”.

Chưa qua được mấy ngày, tôi liền vội vã trở về. Mẹ đau khổ năn nỉ tôi ráng ở thêm một ngày thôi. “Sáng nay mẹ đã nhờ người đi mua thức ăn ngon rồi, lát nữa người ta về ngay, rồi mẹ sẽ nấu cho con bữa cơm cơm thật ngon”. Mẹ nói đường về thành phố xa ngàn dặm, mẹ phải chuẩn bị cho tôi thức ăn thật ngon để tôi ăn no mà về, như vậy mẹ mới yên tâm.

Kể từ khi ở nhà dì về đã thấy thức ăn mẹ chuẩn bị tươm tất xong xuôi, bày sẵn ra bàn. Tôi không kìm được sự ngạc nhiên khi thấy cá vẫn còn vảy, thịt gà vẫn còn lông, thậm chí trên nấm hương còn sót vài sợi tóc. Dù cố gắng thế nào vẫn không thể mạnh dạn mà cầm đũa.

Khi còn trẻ mẹ rất yêu sự sạch sẽ, bây giờ già lại trở nên lôi thôi như thế. Mẹ nhìn thấy tôi cứ lựa tới lựa lui không ăn, buồn bã bằng lòng để tôi về.

Mẹ tiễn tôi ra bến xe, bên ngoài trời rất tối. Mẹ nắm chặt cánh tay tôi, nói: “Con đi không quen đường quê đâu”. Đưa tôi lên xe rồi lại không nỡ xa mà cứ nấn ná, chần chờ. Khi xe bắt đầu lăn bánh mới vội vã xuống xe, mép áo còn bị cửa xe kẹp lại, mặt đụng vào cánh cửa một cái rõ đau.

Tôi xót quá, nghẹo ngào bám chặt thành cửa sổ mà hét lên: “Mẹ, mẹ cẩn thận nhé!”. Mẹ nào có nghe rõ, đuổi theo xe mà nói: “Con à, mẹ không có giận con đâu. Mẹ biết là con bận lắm…”.

Lần này, mẹ dường như đã mãn nguyện rồi, cuối cùng cũng không còn kêu tôi về nhà nữa, mỗi lần gọi điện thoại không ngừng nói với tôi những chuyện vui vẻ: “Trong nhà vừa nuôi con bê con ạ, mùa xuân năm sau mẹ sẽ trồng thật nhiều hoa trong vườn”. Nghe mẹ nói như thế, trong lòng tôi cũng trở nên ấm áp đến lạ.

Cho đến cuối năm, tôi lại nhận được điện thoại của dì, nói: “Mẹ con bệnh nặng rồi, con mau về nhé”. Tôi nửa tin nửa ngờ, mới hôm kia mẹ còn gọi điện thoại cho tôi nói mẹ khoẻ lắm, kêu tôi đừng có nhớ bà kia mà. Nhưng lần này dì lại không ngừng thúc giục tôi, làm tôi cảm thấy lo lắng không yên nên quyết định lại về nhà. Trên đường đi không quên mua cho mẹ bánh gạo mà mẹ thích ăn nhất.

Lúc xe dừng ở đầu thôn, tôi ngóng dài cổ nhưng không thấy mẹ ra đón như mọi lần. Trong lòng tôi bỗng thấy run sợ, có một dự cảm không may đang đến…

Dì nói với tôi, lúc gọi điện thoại cho tôi thì mẹ đã không còn nữa rồi, bà ra đi rất thanh thản. Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chỉ là không nói cho bất kì ai biết. Vẫn như thường ngày cười nói vui vẻ, bận rộn cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, hơn nữa còn tự sắp xếp hậu sự cho chính mình.

Dì kể rằng, từ lâu mắt mẹ tôi đã dần bị mờ, nhìn đồ vật không còn rõ nữa. Tôi ôm chặt túi bánh gạo ở trước ngực, con tim như bị ai đó cướp đi mất. Thì ra, mẹ sớm biết bản thân không còn sống được bao lâu nữa nên mới nhiều lần gọi điện thoại bảo tôi về nhà đi. Mẹ chỉ là muốn được nhìn tôi nhiều hơn, muốn được cùng tôi trò chuyện thêm vài câu nữa.

Thì ra, bữa ăn mà tôi kén chọn không gắp đũa lại được nấu bởi đôi mắt không còn nhìn thấy gì của mẹ. Tôi thật sự vô tình. Cái đêm tôi rời đi ấy, mẹ đã một mình tìm đường về như thế nào, mẹ có bị ngã hay không, tôi vĩnh viễn cũng không bao giờ biết được…

Mẹ – người trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình đã nói với tôi rằng: “Con à, hoa khiên ngưu đã bò tràn qua ống khói nhà mình rồi, hoa co-ve nở rộ hệt như chiếc áo tím mà con hay mặc khi còn bé ấy”. Tất cả những yêu thương, tất cả sự ấm áp mà mẹ đã trao cho tôi vẫn còn đó, chỉ có mẹ đã yên tĩnh mà rời đi.

Tôi biết rằng mẹ chính là người duy nhất không bao giờ giận tôi trên đời này. Mẹ cũng là người duy nhất mãi mãi đợi chờ tôi. Và cũng chính vì ỷ lại vào sự sủng ái đó của mẹ, mới khiến cho mẹ chờ đợi tôi lâu đến như vậy.

Nhưng mà… mẹ ơi, con thật sự bận như thế sao?

Hãy dành thời gian cho những người yêu thương bạn, bởi vì trong cuộc đời của chúng ta, không có điều gì quan trọng hơn gia đình, hãy trân quý khoảng thời gian được ở cùng với gia đình, đừng để bản thân phải thốt lên rằng: “Mọi thứ đã muộn rồi”.

Hãy chia sẻ câu chuyện cảm động này với người thân, bạn bè, bạn nhé!

(vn.pngd)

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status