Trong Phật pháp, người như thế nào mới là người bần cùng, nghèo khổ?
Đức Phật dạy: “Nếu ai đối với Thánh pháp mà không tin ở thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không bố thí, không trí tuệ; đối với thiện pháp, dù có nhiều kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu, nhưng người ấy vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Như vậy, trong Thánh pháp của Ta, gọi đó là sự bần cùng, bất thiện”.
Thì ra, cái nghèo về vật chất, nghèo đến nỗi phải vay nợ và không có khả năng trả nợ, đến nỗi bị chủ bắt trói, đánh đập, bị bỏ tù… vẫn chưa phải là cái nghèo khổ bất hạnh nhất ở giữa đời.
Những ai không sở hữu được niềm tin đối với thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không biết chia sẻ, không có trí tuệ… mới thật sự là người nghèo khổ, bất hạnh nhất.
Chúng ta đã quen với khái niệm vay nợ tiền bạc, vật chất mà chưa nghe đến khái niệm vay nợ bất thiện. Khái niệm vay nợ bất thiện cho chúng ta thấy nhiều khi người ta đang giàu lên rất nhanh bằng cách vay nợ bất thiện; thân không từ việc ác, miệng không ngại nói sai sự thật, ý không ngừng suy tính làm lợi cho mình bất chấp nhân nghĩa, đạo đức, pháp luật…
Khi đã tạo nghiệp bất thiện rồi lại muốn che giấu việc làm ác của thân, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị quở trách, không ưa theo điều phải; muốn che giấu lời nói ác, ý nghĩ ác, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị khiển trách, không ưa theo điều phải, như thế trong Thánh pháp của Phật gọi là sự khất nợ bất thiện.
Thói thường, người ta không những chỉ che giấu việc làm ác của thân, của lời nói, của ý nghĩ xấu ác mà còn bao biện, bào chữa cho hành vi bất thiện của mình. Nếu như che giấu không thành công, có người phát hiện và khuyên ngăn, rằng làm như thế, hành vi như thế, ác như thế, bất tịnh như thế là cái gai, người ấy liền bào chữa, rằng tôi không làm như vậy, không có hành vi như vậy, không ác như vậy, không bất tịnh như vậy, cũng không phải là cái gai của thôn ấp. Như thế, trong Thánh pháp của Phật gọi là sự đòi nợ bất thiện.
Cho dù ở trong rừng vắng, hoặc ở núi non, dưới gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ, ẩn cư gọi là tu tập nhưng vẫn niệm tưởng ba việc bất thiện: dục, sân, hại. Như thế trong Thánh pháp của Phật gọi là sự không ngớt đòi nợ bất thiện.
Một khi thân đã làm việc ác, miệng đã nói lời ác và ý đã nghĩ điều ác, do đó, kẻ ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sanh vào chỗ ác, sanh trong địa ngục. Như thế, trong Thánh pháp của Phật gọi là sự trói buộc của bất thiện.
Đức Phật kết luận: “Ta không thấy có sự trói buộc nào đau khổ bằng, nặng nề bằng, tàn khốc bằng, khó yêu nổi bằng sự trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba sự trói buộc đau khổ này chỉ có bậc Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận mới biết rõ và diệt tận, nhổ phăng cội rễ, vĩnh viễn không còn tái sanh” (Trung A-hàm, kinh Bần cùng).
Do vay nợ bất thiện mà chúng sanh bị trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là cảnh giới đau khổ, nặng nề, tàn khốc, khó yêu nhất. Cho nên, khi sống ở đời, thay vì nỗ lực thoát nghèo vật chất bằng cách vay nợ bất thiện thì thà rằng “đói cho sạch, rách cho thơm” để khỏi bị trói buộc trong ba đường ác. Còn những người đã giàu, đang giàu lên rất nhanh về của cải vật chất cũng nên nhìn lại xem mình có vay nợ và mắc nợ bất thiện hay không?
(tt)