Chuyển tới nội dung

Trong cõi u minh tự có ý Trời, 7 điều Thiên ý bạn biết được bao nhiêu?

  • bởi

Trong cõi u minh tự có ý Trời, biết được sẽ thọ ích cả đời. Ý Trời là gì, chính là quy luật vận hành của tạo hoá.

Trong thế chiến lần thứ hai, một hôm tuyết lớn bay ngập khắp trời. Tướng quân Eisenhower đi trên chiếc xe riêng trở về tổng bộ, chuẩn bị tham dự một cuộc họp quân sự khẩn cấp. Khi vô tình nhìn qua khung cửa, tướng quân nhìn thấy một đôi vợ chồng người Pháp đang ngồi bên đường, rét run lên bần bật theo những cơn gió đông lạnh buốt.

Ông ra lệnh dừng xe lại và hỏi han sự tình. Hoá ra đôi vợ chồng già dọn đến Paris sống với cậu con trai. Giữa đường xe hỏng nên họ đành phải chờ đợi cứu viện trong trận bão tuyết mù mịt này. Nhưng trời tuyết lớn nên thưa vắng người qua lại.

Vị tướng quân tham mưu đồng hành nói: “Chúng ta phải đến họp ở tổng bộ đúng giờ, không còn đủ thời gian nữa đâu. Những chuyện như thế này giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý thôi”.

Vị tướng quân nói: “Nếu đợi cảnh sát tới cứu viện, chỉ e hai ông bà lão này sẽ sớm bị chết cóng ở đây rồi!”.

Vị tướng quân lập tức mời hai ông bà lên xe của mình, đưa họ tới nhà của con trai họ ở Paris trước rồi mới gấp rút về lại tổng bộ.

Chính nghĩa cử này lại giúp ông thoát khỏi kiếp nạn trong đời. Do vị tướng quân đột nhiên thay đổi lộ trình, khiến kế hoạch của Phát xít Đức hòng ám sát ông phải thất bại.

Có người cho rằng, đó là do vận may của tướng quân Eisenhower. Kỳ thực, cuộc đời con người không có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vận mệnh là do tâm dẫn dắt, cứu người khác lại là cứu chính mình. Chính nghĩa cử cao đẹp của tướng quân Eisenhower đã cứu sống ông.

1. Luật nhân quả

Trên cõi đời này chẳng có chuyện gì xảy ra một cách vô duyên vô cớ. Có nhân ắt sẽ có quả. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mối liên hệ giữa vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo luật nhân quả.

Luật nhân quả không chỉ là đặc quyền của Phật giáo. Trên thực tế, trong rất nhiều tôn giáo khác như Cơ Đốc giáo, Ấn Độ giáo đều nói đến điều này. Socrates, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ cho rằng nhân quả là định luật căn bản của vũ trụ. Socrates còn có một câu nói nổi tiếng là: “Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Đây là định luật bất diệt từ vạn cổ”.

Gieo nhân thiện ắt đắc quả thiện, gieo nhân ác ắt gặt quả ác. Vậy nên một người muốn có vận mệnh may mắn thì cần phải gieo nhiều nhân thiện. Hãy nói nhiều lời tốt hơn, làm nhiều việc thiện hơn, nghĩ nhiều điều tốt đẹp hơn.

2. Luật hấp dẫn

Những điều bản thân mỗi người gặp phải là do ý niệm của mình quyết định. Ý niệm như thế nào thì sẽ thu hút cảnh giới tương ứng với ý niệm đó.

Rất nhiều ông bố bà mẹ lo lắng cho con cái, vì chúng mà thao thức và cho rằng đây chính là biểu hiện của tình yêu. Kỳ thực lo lắng điều gì thì sẽ gặp điều đó, cho nên những chuyện bạn lo lắng lại thường hay xuất hiện.

Lão nhân Vương Phượng Nghĩa nói rằng: “Người già chỉ lo con cái phải chịu khổ mà chuẩn bị nhà cửa, tiền tài cho con cháu đời sau sinh sống. Những người già như vậy không phải là yêu thương con cháu của mình, mà chính là đang bắt nạt chúng. Họ cho rằng con cháu không thể mưu sinh, chẳng thể kiếm nổi bát cơm ăn nên thà rằng hà khắc, bủn xỉn với người ngoài nhưng cũng phải tích luỹ của cải để lại cho con cháu. Kết quả là con cháu họ không có một chút kinh nghiệm sống nào, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc. Cuối cùng chúng lại thực sự rơi vào cảnh không có miếng cơm ăn. Kiểu tài sản này lưu lại cho con cháu có khác chi để lại thuốc độc cho chúng?”.

Định luật lực hấp dẫn là như vậy, lo lắng về điều gì thì sẽ gặp điều ấy. Nếu ta cho rằng thế giới thật tốt đẹp thì sẽ thu hút những điều tốt đẹp. Nếu ta cho rằng thế giới tồi tệ thì sẽ thu hút những điều tồi tệ.

Vì sao lại như vậy? Khoa học sớm đã nhận thức được rằng vũ trụ kỳ thực là do năng lượng tổ hợp thành. Tần suất sóng năng lượng khác nhau sẽ cấu thành nên vô vàn hiện tượng khác nhau một trời một vực trong vũ trụ. Một người có tâm niệm như thế nào thì sẽ cảm ứng tới trường năng lượng đồng nhất với tâm niệm đó. Đồng chất thì thu hút lẫn nhau, đây chính là luật hấp dẫn.

Tâm niệm của con người thường rất nhiều. Những ý niệm đầu tiên và mạnh mẽ nhất sẽ trở thành “tâm tưởng sự thành”. Cũng giống với điều lão nhân Vương Phượng Nghĩa đã nói, càng lo lắng con cháu mình sau này phải chịu khổ thì điều này lại càng dễ trở thành sự thực. Càng lo lắng mạnh mẽ, nó lại càng giống như một lời nguyền.

Lực hấp dẫn nói với chúng ta rằng cần phải nỗ lực khống chế tâm niệm của mình, hướng chúng vào phương diện tích cực, lương thiện, vừa có lợi cho người khác vừa có lợi cho mình. Như vậy mới có thể hấp thu, cảm ứng tới những con người và sự vật tích cực, lương thiện. Nếu số phận một người gặp nhiều trắc trở thì trước tiên cần xem lại xem liệu bản thân mình có ý niệm nào đó bất lợi không. Lúc này oán trời trách người chỉ khiến sự việc càng thêm tồi tệ.

3. Quy luật niềm tin sâu sắc

Vạn sự vạn vật trong toàn vũ trụ này đều là một thể thống nhất với bản thân mình. Đây chính là chân tướng của vũ trụ. Càng tin sâu sắc vào quy luật này thì sự linh ứng lại càng mạnh mẽ, càng chống đối lại quy luật này thì càng vô minh.

Ví như, có người đột nhiên cảm nhận rất mạnh mẽ rằng sắp có một sự việc gì đó xảy ra. Kết quả là việc này đã thực sự xảy ra, phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Không phải. Bởi lẽ vạn sự vạn vật trong cả vũ trụ này đều là một thể thống nhất. Cho nên trước khi sự việc xảy ra nhất định đều có sự cảm ứng.

Người có thể cảm nhận được là vì họ có lòng dạ khoáng đạt và hiểu rằng vạn sự vạn vật đều là một thể thống nhất. Còn những người tâm địa hẹp hòi, tự cho rằng mình đúng, tự phong bế bản thân lại thường rất khó cảm nhận được.

Có cảm ứng thì sẽ có sự đối ứng. Nếu là cảm ứng tốt thì mới thuận theo nó. Nếu là cảm ứng không tốt thì cần tích cực phản tỉnh lại bản thân xem rốt cuộc tâm thái bất hảo nào đã chiêu mời cảm ứng bất thiện đó. Chỉ cần trước khi chưa xuất hiện kết quả thông thường, chỉ cần chúng ta tu chính lại tâm thái của mình thì mọi chuyện đều có thể hoá giải, gặp hung mà hoá cát.

Những người có nhân phẩm, có thành tựu thường có thể cảm nhận được sự đồng nhất giữa vũ trụ và vạn vật. Bởi lẽ linh cảm của trực giác rất mạnh, nên có thể tận dụng được điểm lợi mà tránh điểm hại, thành tựu nên cả một sự nghiệp.

4. Quy luật hiện tại

Con người thường sẽ có trải nghiệm rằng khi làm một việc gì đó mà tâm ta thư thái nhất, không tính toán nhất và để tâm tới hiện tại nhất thường thì việc đó cũng sẽ thuận lợi nhất, thậm chí còn thuận lợi hơn cả sự kỳ vọng. Đây chính là kỳ tích của việc đặt tâm vào hiện tại.

Quá khứ chẳng thể níu kéo, tương lai cũng chẳng thể nắm giữ, chỉ có hiện tại mới là điều chân thực nằm trong tầm tay mỗi chúng ta. Tích cực điều chỉnh tốt tâm niệm khi hiện tại mới là cách tốt nhất cải biến số mệnh của bản thân.

5. Quy luật 20-80

Xét xem một mục tiêu có thể đạt được hay không thì 20% trong đó là sự nỗ lực, 80% còn lại là tâm thái của chúng ta.

Xét về tầm ảnh hưởng của một sự việc đến một sinh mệnh, thì 20% là tầm ảnh hưởng ngay lập tức có thể nhìn thấy. 80% còn lại thường sẽ dần dần hiện ra trong 80% phần đời tiếp diễn của sinh mệnh đó.

Vậy nên, sự kiên nhẫn là điều tất yếu, mọi điều đắc được đều nhờ chữ Nhẫn. Chỉ cần có một phương hướng chính xác, một tâm niệm đúng đắn thì sẽ đủ nhẫn nại để chờ đợi.

6. Luật ứng đắc

Những gì bạn đạt được đều là những gì bạn nên có được.

Chúng ta nhận được lời chúc phúc của vũ trụ là nhờ những cống hiến của chúng ta nhằm thích ứng với vũ trụ.

Bạn dâng hiến thứ gì, bạn sẽ nhận được thứ đó, chứ không phải bạn muốn có được thứ gì thì sẽ đạt được thứ đó.

Ví như bạn đã hiến dâng tình yêu thì sẽ có được tình yêu. Bạn hiến dâng oán hận thì sẽ nhận lại oán hận. Bạn hiến dâng oán hận nhưng lại vọng tưởng có được tình yêu thì chẳng thể nào đạt được.

Vậy nên trong cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc nói với Liễu Phàm tiên sinh rằng, người có ngàn vàng ắt sẽ đáng giá ngàn vàng, kẻ cần phải chết đói ắt sẽ chết đói. Chính là đạo lý này.

Những thứ chúng ta muốn có mà không được, chỉ có thể nói là trong số mệnh của chúng ta không có, cần phải hướng vào bên trong tâm hồn mình mà tìm nguyên nhân.

7. Quy luật làm lợi cho người khác

Quy luật ứng đắc và quy luật làm lợi cho người khác có mối quan hệ mật thiết với nhau. Làm lợi cho người khác bao nhiêu thì sẽ đắc được nhiều bấy nhiêu. Làm lợi cho người khác cuối cùng lại là làm lợi cho mình. Cũng giống như câu nói trong Đạo Đức Kinh: “Vì người không tự tư nên lại thành của tư” (Dĩ kỳ bất tự tư, cố năng thành kỳ tư).

Trong quá trình làm lợi cho người khác, trải qua vòng tuần hoàn năng lượng đã dâng hiến ấy, sinh mệnh lại có thể thực hiện được những giá trị lớn nhất của bản thân. Vậy nên Phật giáo giảng rằng “xả đắc”, xả càng nhiều, lại đắc được càng nhiều. Chỉ nhận mà không buông xả thì nguồn năng lượng sẽ chết cứng tại nơi đó.

Ví như, thường khiến người khác vui vẻ thì người cuối cùng được hạnh phúc lại là chính bản thân mình. Thường khiến người khác đau khổ thì cuối cùng đau khổ nhất lại là người đó. Người thường cấp dưỡng, bố thí cho người khác, càng bố thí lại càng đắc được nhiều.

Vậy nên chỉ cần trong tâm luôn lưu giữ 7 quy luật trên, sống thuận theo thiên đạo ắt sẽ có được kiếp nhân sinh tự do tự tại.

(ygd.info)

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status